Hội nghị “Hiến kế cải cách thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19"

Hội nghị “Hiến kế cải cách thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19"

adminquantri

0 Bình luận

21/05/2020

 

Trong bối cảnh tình hình diễn biến của dịch Covid-19 còn nhiều phức tạp, các quốc gia trên thế giới đã và đang đồng loạt thực hiện các biện pháp kích thích nền kinh tế để vượt qua suy thoái và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Việt Nam là quốc gia hội nhập sâu rộng với thế giới, do đó tác động của dịch Covid-19 là tương đối mạnh lên nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của nước ta. Vì vậy, thời gian tới đặt ra nhiều vấn đề cấp bách, mang tính sống còn với khu vực sản xuất kinh doanh và các loại hình doanh nghiệp. Ông Nguyễn Kim Hùng – Chuyên gia tài chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Nam có buổi chia sẻ về vấn đề này.

Hiến kế cải cách thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19

PV: Thưa ông, tới đây Ban Cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính cùng Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức Hội nghị “Hiến kế cải cách thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19″, ông có thể chia sẻ nội dung và ý nghĩa của Hội nghị tới cộng đồng doanh nghiệp Việt? 

Chuyên gia tài chính Nguyễn Kim Hùng: Dịch Covid-19 đang gây ra những ảnh hưởng nặng nề tới tất cả các Quốc gia trên Thế giới. Gần đây nhất, dữ liệu mới nhất tại Nhật Bản, tác động của Covid đang đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam bởi Nhật Bản là một trong những Quốc gia chiếm tỷ trọng lớn về đầu tư FDI từ trước đến giờ.

Chúng ta cần nhìn nhận rằng Việt Nam đang đứng trước những cơ hội gì trong thời kỳ Covid và chỉ còn là vấn đề thời gian để chúng ta có thể công bố hết dịch. Chính phủ đang tổ chức rất nhiều Hội nghị như Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp, Hội nghị về cải cách thủ tục hành chính, Hội nghị của (Ban IV) Ban Kinh tế Tư nhân về Cổng Dịch vụ công Quốc gia, và Hội nghị “Hiến kế cải cách thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19″, thông qua Hội nghị này, chúng ta sẽ rà soát lại toàn bộ Thông tư, Nghị định và cân nhắc còn phù hợp trong thời kỳ hậu Covid với một loạt những động thái mới hay không ?

Những hiến kế này sẽ đến từ những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội và đại diện 15 ngành hàng ảnh hưởng trực tiếp tới GDP Việt Nam. Sau hội nghị, Ban tổ chức tổng hợp kế sách/giải pháp và báo cáo trực tiếp tới Chính phủ. Qua đó góp phần tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, giúp các ngành hàng, doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục và từ đó, thúc đẩy nền kinh tế phát triển bứt phá.

PV: Ông có thể cho biết Hội nghị này có điểm đột phá gì trong vấn đề cải cách hành chính để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp?

Chuyên gia tài chính Nguyễn Kim Hùng: Hội nghị này sẽ gồm có 2 Phiên. Phiên thứ nhất sẽ là đánh giá hiện trạng và hiến kế giải pháp của cộng đồng doanh nghiệp trong cải cách thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó góp phần giúp nền kinh tế việt nam bứt phá hậu covid-19, phiên này sẽ kéo dài hơn 2 tiếng. Tại phiên này, ngay cả những doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sẽ trình bày các giải pháp góp phần cải thiện cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, chuyển đổi số, chi phí thanh toán hậu Covid,… đây là những gánh nặng rất lớn tới cộng đồng doanh nghiệp.

Chủ đề trọng tâm trong chương trình này là làm thế nào để cải cách được những vấn đề đang ảnh hưởng trực tiếp tới hơi thở hoạt động doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa đang bị tổn thương nhiều nhất và sẽ được đề cập cụ thể trong chương trình này.

Phiên 2 sẽ là phiên dành cho Ban Cải cách thủ tục hành chính, công bố những thành tựu cải cách thủ tục hành chính đã đạt được trong thời gian qua, bên cạnh đó sẽ bàn thảo và đưa ra định hướng cải cách thủ tục hành chính trong và sau dịch Covid-19. Một trong những vấn đề quan trọng tiên phong chính là số hoá thể chế chính sách, số hóa hành chính công như Chính phủ điện tử, chuyển đổi số các hoạt động doanh nghiệp cũng như là tất cả các thành phần kinh tế.

PV: Trên cương vị là người đại diện cho khối doanh nghiệp SMEs, khi Hội nghị kết thúc, Ông có kỳ vọng như thế nào về sự cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp? 

Chuyên gia tài chính Nguyễn Kim Hùng: Chúng ta đã biết, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang bị tổn thương rất nặng nề sau Covid-19. Chính phủ đang ban hành rất nhiều Chỉ thị, Nghị định, Thông tư tháo gỡ khó khăn trực tiếp và gián tiếp cho doanh nghiệp.

Nhưng đâu đó, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn cần hơn một giải pháp tổng thể để hỗ trợ trong ngắn hạn và tạo điều kiện trong tương lai. Những giải pháp hỗ trợ ngắn hạn, Chính phủ đã ban hành rất nhiều để tái cơ cấu, giãn nợ,…tuy nhiên trong dài hạn thì cần nhiều hơn để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh của mình hay có thể tái lập lại một mô hình kinh doanh mới theo một kỷ nguyên mới.

Chính vì thế, chúng tôi rất kỳ vọng tại Hội nghị này, Ban cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính sẽ đưa ra tiếng nói sát sườn nhất, trình lên Văn phòng Chính phủ để có giải pháp tổng thể, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung, tiểu thương nói riêng, 5 triệu hộ kinh doanh có thể bứt phá, trở thành một trong những doanh nghiệp SME vững mạnh trong tương lai.

Bên cạnh đó, Hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia các dự án đầu tư công, đây là keyword rất quan trọng mà Chính phủ đặt trọng tâm để thúc đẩy việc tăng trưởng GDP đạt được trên 5% trong năm 2020.

PV: Với vai trò là đại diện doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ông có nhắn nhủ điều gì tới cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình cải cách thủ tục hành chính ? 

Chuyên gia tài chính Nguyễn Kim Hùng: Hội nghị lần này hướng rất nhiều tới hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ bứt phá trở thành doanh nghiệp lớn và nâng cao vai trò, khả năng quản trị để gia nhập một kỷ nguyên mới.

Việt Nam là một trong những Quốc gia có thể khống chế tình hình dịch bệnh và kinh tế trong thời điểm này. Cá nhân tôi, với vai trò là Phó Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngoài ra tôi còn là nhà huấn luyện và đào tạo giới chủ doanh nghiệp trong nhiều năm nay, Tôi rất mong muốn gửi gắm thông điệp: Ngoài việc chờ đợi những sự kiện như thế này, thì các doanh nghiệp nên chủ động trên chính cuộc đời của mình bằng việc chúng ta phải thực sự nhảy vào cuộc, áp dụng nền tảng số vào hoạt động kinh doanh sản xuất, phải cải cách chính tư duy làm việc truyền thống của mình, chuyển đổi số và hướng tới mô hình kinh doanh toàn cầu. Chỉ có thay đổi tư duy và áp dụng nền tảng số theo tư duy mô hình kinh doanh toàn cầu thì cộng đồng doanh nghiệp nói chung mới có thể tồn tại được trong thời đại kỷ nguyên số này. Hãy bắt tay ngay vào việc số hoá quản trị, tham gia các chương trình của Chính phủ để nắm bắt những chính sách, cơ hội thay đổi hoạt động sản xuất của mình.

Một việc rất quan trọng, chúng ta phải đồng hành cùng Chính phủ, cùng đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước, để cùng xây ra một thể chế, chính sách cho chính chúng ta trong tương lai, tránh tình trạng bị động và bỏ lại ở đằng sau. Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam – VINASME chính là cánh tay nối dài giữa doanh nghiệp và Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Nguyễn Văn Thân, chúng ta cần phản ánh những vấn đề đang gặp phải tại Hội nghị “Hiến kế cải cách thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19” ngày 26/05 tới đây, để chúng tôi tổng hợp và gửi tới Cơ quan quản lý nhà nước, có được sớm nhất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thông tin chi tiết, đăng ký tham dự và hiến kế tại: https://portal.sisme.com.vn/hoinghicaicach/

Trân trọng cảm ơn !

 

 

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận